BÍ QUYẾT CHINH PHỤC MÔN NGỮ VĂN
Ngữ văn là môn học bắt buộc trong chương trình THCS, THPT hiện nay và luôn có mặt trong các kỳ thi quan trọng như Học sinh giỏi, Tốt nghiệp THPT, Tuyển sinh vào lớp 10. Vậy làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn? Liệu học tốt môn Ngữ văn có cần năng khiếu hay không?
Có thể thấy, không ít học sinh hiện nay gặp khó khăn ít nhiều trong quá trình học tập môn Ngữ văn. Họ cho rằng để học tốt môn Ngữ văn cần phải có năng khiếu bẩm sinh, khả năng cảm thụ tốt, trí tưởng tượng bay bổng.
Trên thực tế, điều đó có thể đúng nhưng không phải là tất cả. Đối với bất kỳ môn học nào cũng vậy, để học tốt và đạt kết quả cao, bên cạnh năng khiếu, chúng ta cũng cần sự cố gắng, nỗ lực và quan trọng nhất chính là phương pháp học tập phù hợp. Vậy để học tốt được môn Ngữ văn, theo tôi, chúng ta lưu ý một số khía cạnh sau đây:
Trước hết phải hiểu bản chất, tạo sự hứng thú với môn Ngữ văn.
Bí quyết đầu tiên và cũng rất quan trọng trong quá trình học môn Ngữ văn đó là người học cần hiểu rõ về bản chất của môn Ngữ văn. Môn Ngữ văn không phải là môn học thuộc. Bản chất của môn Ngữ văn là giúp chúng ta phát triển khả năng ngôn ngữ, diễn đạt, khả năng cảm nhận, thấu hiểu, từ phân tích để đưa ra các đánh giá. Học Ngữ văn sẽ giúp cho chúng ta rèn luyện về tư duy ngôn ngữ.
Ngoài ra, hãy tạo sự hứng thú, niềm yêu thích đối với môn học này bằng việc không sợ môn học. Nếu có khiếu về văn chương thì đây sẽ là một lợi thế lớn, còn nếu không thì cũng không phải là vấn đề quá lo lắng vì năng khiếu chỉ là một phần. Sự quyết tâm, hứng thú đối với môn Văn có thể giúp người học cảm nhận được những điều thú vị, hấp dẫn.
Thứ hai là cần luyện tập thói quen đọc sách
Có thể nói, sách vừa là người thầy vừa là bạn của chúng ta trên con đường học tập. Học từ sách chính là cách tự học rất hữu ích. Chúng ta có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào không nhất thiết phải là sách Văn học.
Hãy tạo cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày để học hỏi về cách hành văn, lập luận, giới thiệu hay trình bày vấn đề trong các bài học, câu chuyện để có thể tìm cho mình cách làm văn…Tập trung khi đọc và đọc nhiều sách cũng là một cách để chúng ta trau dồi vốn từ vựng cho mình, ghi nhớ sâu hơn về các vấn đề. Vì thực tế, một bài văn muốn hấp dẫn cần có sự sáng tạo, đa dạng về vốn từ, cách viết mới lạ… Do đó, việc đọc sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chúng ta khi học tập môn Ngữ văn và cũng là bí quyết giúp chúng ta có thể chinh phục được môn học này.
(Nguồn Internet)
Thứ ba là học cách ghi nhớ có hiệu quả
Trong cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của tác giả Adam Khoo đã chia sẻ về một phương pháp ghi nhớ hiệu quả đó là “sơ đồ tư duy”.
Khi đọc một tác phẩm văn học nào đó, điều đầu tiên chúng ta cần phải nắm được trọng tâm, tư tưởng của tác phẩm. Điều này có thể thực hiện được qua sơ đồ. Sơ đồ tư duy giúp chúng ta dễ ghi nhớ trọng tâm nội dung, tư tưởng của tác phẩm hơn.
Để vẽ sơ đồ tư duy khi học tập môn Ngữ văn, chúng ta hãy đặt tên của tác phẩm ở chính giữa trang giấy, phát triển các ý xung quanh. Chúng ta có thể sử dụng nhiều cách vẽ khác nhau, làm sao để khi đọc lại, bản thân mình sẽ nắm bắt, thống kê được các ý rõ ràng và dễ hiểu nhất. Một mẹo để dễ ghi nhớ đó là sử dụng bút nhiều màu khác nhau, những ý cùng cấp thì sẽ sử dụng cùng màu, phân chia theo nhiều cấp để học.
Thứ tư là không ngừng học hỏi, phát triển tư duy
Học Ngữ văn không có giới hạn về không gian, thời gian. Chúng ta có thể học ở bất kỳ nơi đâu, bằng phương pháp nào, chỉ cần mang lại hiệu quả là được. Việc không ngừng học hỏi, phát triển về tư duy sẽ giúp cho chúng ta tiến bộ hơn rất nhiều. Ở lớp thì có thể học thầy, học bạn, về nhà thì đọc thêm sách, hỏi gia sư về các bài học,… Thậm chí chúng ta cũng có thể tham khảo văn mẫu nhưng để từ đó rút ra những ý tưởng hay, phát triển cho ý tưởng của mình chứ không sao chép. Để học tập tốt môn Ngữ văn, chúng ta không chỉ có tư duy sâu sắc mà còn cần sự sáng tạo không ngừng. Hãy luôn rèn luyện để việc viết văn trở thành kỹ năng.
Thứ năm là tạo thói quen chuẩn bị bài trước, không nên quá phụ thuộc vào sách mẫu, bài văn mẫu.
Có một thực tế là không ít các bạn học sinh hiện nay rất ngại soạn văn, chuẩn bị bài trước vì cho rằng rất mất thời gian, đằng nào cũng sẽ học trên lớp. Tuy nhiên, chính thói quen soạn văn, chuẩn bị các bài tập trước lại là bí quyết để học tập tốt hơn. Soạn bài trước khi đến lớp sẽ giúp chúng ta chủ động và dễ dàng giải quyết được các vấn đề mà thầy/cô đặt ra. Khi chuẩn bị bài nghĩa là chúng ta sẽ đọc trước, khám phá trước tác phẩm để khi trên lớp chúng ta lại tiếp tục được khám phá lần thứ hai. Nhờ thế mà chúng ta được tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm thông qua hệ thống câu hỏi của các thầy cô. Hơn nữa, việc đọc nhiều, luyện nhiều cũng là cách để chúng ta hiểu bản chất, nhớ bài học lâu hơn. Chúng ta chỉ cần dành ra khoảng 15 - 20 phút mỗi buổi tối để đọc và vạch ra nội dung chính của bài học, soạn trước ra vở để hôm sau có thể dễ dàng tiếp cận bài học hơn.
Sách tham khảo là nguồn tài liệu chứa đựng nhiều lời giải hay, nhưng nếu phụ thuộc vào chúng sẽ khiến người học bị lệ thuộc. Vậy nên, hãy viết văn theo suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình, sau đó mới đọc sách tham khảo để bổ sung thêm ý đã triển khai trước đó. Dùng sách tham khảo không xấu, song chúng ta nên chọn lọc và sử dụng một cách khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất khi học Văn.
Thứ sáu là rèn luyện tính tự giác trong học tập
Để có thể học tốt môn Ngữ văn, chúng ta hãy rèn luyện cho bản thân tính tự giác, đặt tinh thần tự nguyện lên trên hết. Có như vậy thì chúng ta mới có hứng thú đối với môn học này, mới có thể cảm nhận và viết ra những bài văn hay nhất.
Như vậy để học tốt môn Ngữ văn chúng ta cần phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cũng như phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn lựa chọn cho bản thân phương pháp học tập môn Ngữ văn phù hợp và hiệu quả nhất, hứng thú, tự tin và thêm yêu thích môn học này.
Sưu tầm Bài và ảnh: Lương Phương Thảo 10A1.3 – CLB Học tập