TRUYỆN NGẮN: "MẸ NHẤT"
MẸ NHẤT
Đỗ Hữu Tấn
Mới rồi, về công tác ở Thọ Lão, để nghiên cứu về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với những người có công, tôi đã có dịp được gặp và chuyện trò cùng mẹ Nhất, “một bà mẹ chưa được phong danh hiệu anh hùng, nhưng rất đáng được tôn vinh” theo lời giới thiệu của chủ tịch xã này. Tại đây, tôi đã được nghe mẹ kể về cuộc đời của mẹ và xin ghi chép lại để bạn đọc gần xa cùng tham khảo. Bạn hãy hình dung trong ngôi nhà nhỏ tranh tre một gian hai chái, ở chính giữa, trên chiếc chõng tre có lẽ là di vật của thế kỷ 19, một mẹ già ngoài tám mươi, gầy guộc, dăn deo, mộc thếch, đầu tóc bạc phơ, cử chỉ chập chạp, nhưngng con mắt còn rất tinh tường, vừa nhai trầu vừa kể chuyện, giọng trầm nho nhỏ, thì thào như gió thu thổi qua đồng nội vào một buổi chiều tà xôn xao ánh vàng và đàn cò trắng bay xuôi …
- Tôi khổ lắm anh ạ, khổ từ tấm bé. Nhà nghèo chín mười tuổi phải đi mò của bắt ốc, mười ba mười bốn tuổi đã phải đi làm thuê làm mướn cho nhà người ta. Năm mười lăm tuổi thì cha mẹ gả chồng. Cái đời làm dâu ngày trước khổ nhục thế nào anh cứ về hỏi lại cụ nhà khắc rõ, chị em chúng tôi thời trước đều như thế cả. Riêng tôi, tôi lại không được may mắn như chị em. Số tôi muộn mằn và vất vả về đường con cái. Hồi mười chín đôi mươi tôi cũng có đẻ con vài lần, nhưng đều hữu sinh vô dưỡng cả. Sau đó, bẵng đi năm sáu năm trời không sinh nở gì, gần như là tuyệt hẳn. Thấy vậy, nhà chồng ghét bỏ, rồi thì sự này sự nọ, nay đuổi đi, mai đuổi đi. Rồi thì bàn tính lấy vợ lẽ cho nhà tôi. Tôi không chịu. Bị đánh mắng, cực nhục, vất vả thế nào tôi cũng cố cắn răng chịu, nhưng để chồng lấy vợ lẽ thì tôi nhất định không chịu. Tôi nghe người ta, đi cầu tự khắp nơi. Những chốn có tiếng linh thiêng như Đền Sòng, Phố Cát, chùa Hương, chùa Thầy, không nơi nào là không đến. Rồi cúng lễ, ăn chay nằm mộng, luồn chân voi, xoa đầu phật, vất vả, tốn kém bao nhiêu công của mà vẫn chẳng thai nghén gì. Nhà chồng không thể chờ tôi mãi, rục rịch đi hỏi vợ lẽ cho nhà tôi. Nhà tôi rất thương tôi, nhưng sợ cha mẹ, lại cũng muốn có con, nhất là con trai để nối dõi tông đường, nên dần dà ngả theo ý kiến gia đình. Tôi uất quá, giận thân, trách phận, chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Nhưng may sao, chính giữa lúc ấy, chẳng biết phúc đức làm sao tôi lại có mang, rồi sinh được một thằng con trai. Chính nó làm cho tôi được đổi đời. Được chồng yêu, gia đình nhà chồng quí mến. Lại còn được chiều chuộng nữa. Anh tính, thời ấy kinh tế khó khăn, thóc cao gạo kém, kiếm được đồng tiền bát gạo rất chật vật, nhà lại nghèo, vậy mà những ngày mới ở cữ bao giờ tôi cũng được ưu tiên so với mọi người, ăn uống đầy đủ, thỉnh thoảng lại còn được bồi dưỡng. Nhà tôi đi giậm, đi lưới, bắt được con cá ngon đều dành cho mẹ con tôi. Nói anh đừng cười, được ăn uống chu tất, lại không phải lo nghĩ, cực nhọc như trước, người tôi đẫy đà và tía tắn hẳn lên. Ai cũng khen tôi đẹp ra. Nhà tôi vui lắm. Nhưng lúc vắng vẻ, nhà tôi thường đọc trêu tôi câu ví “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ”, lại gọi tôi là “gà nhảy ổ”. Nhà tôi hay đùa bảo tôi: “Này bà gà nhảy ổ đẻ ơi, liều liệu đấy, không chiều tôi cẩn thận thì tôi lấy vợ lẽ đấy!”. Tôi chỉ cười, có khi nói lại: “Có tài thì cứ đi mà lấy. Có thích “gà mái tơ” thì bế lấy con, tôi đi tôi hỏi cho!”. Những ngày ấy chúng tôi sống rất vui vẻ hòa thuận. Với tôi, những ngày ấy có thể coi là tốt đẹp nhất đời, sau này chả bao giờ được như thế nữa. Anh chả biết được một người đàn bà khi đã có con, bế con trong lòng thì sung sướng như thế nào đâu. Tôi không lúc nào rời thằng con. Tôi cứ nhìn nó ngủ, nó bú, nhìn nó nghịch ngợm, nắm tay, co chân, giẫy đạp trong lòng tôi mà mỉm cười, quên hết mọi nỗi tủi nhục trước kia, coi thường bước đường gian nan, vất vả sắp tới.
Nhưng những ngày vui ấy trôi qua nhanh. Tôi già rồi, tôi biết rõ, những ngày vui sướng bao giờ cũng ngắn ngủi. Khi cháu bắt đầu biết lẫy, thì nhà tôi đạt tên cho nó là Nhất, mong rằng sẽ có thằng Nhị, thằng Tam nữa. Tôi cũng hy vọng. Nhưng chỉ ít ngày sau, lý trưởng dẫn cai đội đến bắt nhà tôi đi lính. Nhà tôi đã trốn lên gác bếp, nhưng chúng nó cũng tìm được, bắt lôi đi. Tôi nhớ hôm đó là mồng mười tháng Ba. Nhà tôi đi, và đi biệt, không về nữa. Nghe nói bị bắt đi đánh nhau tận bên Tây, rồi chết ở bên đó. Tôi cứ nhớ ngày nhà tôi đi hàng năm làm giỗ. Làm giỗ cho phải đạo, chứ thật ra cũng không biết ở xa thế hồn có về được không...
- Này anh! - Đột nhiên mẹ ngừng kể, ngước mắt nhìn tôi. – Anh là người có học, anh hãy nói cho tôi biết, người ta chết ở xa thế thì hồn có về nhà được không?
Tôi trả lời mẹ là tôi không biết, đó là vấn đề không thể biết, với đời này, và có lẽ với nhiều đời sau...
- Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À, đến đận nhà tôi đi lính rồi không về nữa. Tôi ở vậy nuôi con. Vất vả, cực lắm, nhưng cũng cố vượt được. Rồi Cách mạng thành công, đời sống có khá hơn, nhưng vẫn còn vất vả lắm. Hai mẹ con cố dựa vào nhau mà sống. Nó lớn lên rất nhanh, khỏe mạnh, lại đẹp trai nữa. Tôi cho nó đi học, nó học rất giỏi. Tôi đặt hết hy vọng vào nó. Cũng mong ước nó sẽ làm nên ông nọ bà kia, rồi nó lấy vợ, đẻ con, đẻ nhiều con cho tôi bế, tôi nuôi. Tuổi già chúng tôi chỉ thích được như vậy thôi.
Vậy mà không được, anh ạ. Ông trời hại tôi! Thằng Tây hại tôi! Sau ngày độc lập không được bao lâu thì thằng Tây lại đánh đến đây. Càn quét cướp bóc. Đột phá, hãm hiếp. Giết chóc. Đủ hình đủ tội. Tôi đã đem thằng Nhất tản cư ra vùng tự do, an toàn, nhưng chạy lâu không có cái ăn, lại phải trở về. Hồi ấy ở vùng này bí beng lắm. Tây lập hội tề, ta phá tề. Cán bộ ta về lập cơ sở, Tây lùng bắt, bắt giết. Không ngày nào thằng giặc không về càn. Không ngày nào không có người bị bắt, bị tra khảo, bị bắn giết. Ngày ấy sống ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, như cá nằm trên thớt, có ngày nay chắc đâu đã có ngày mai. Tôi thì chẳng thể làm gì. Tôi già rồi. Chỉ lo cho thằng Nhất. Tôi đã tính cẩn thận, không cho nó đi đâu xa. Đã căn dặn nếu nghe tiếng súng thì phải về nhà ngay. Nó xin vô du kích, ban đầu tôi không đồng ý, sau anh em nói nhiều, tôi nể cho vào, nhưng chỉ cho đi họp đi hành vào ban đêm, còn ban ngày thì cấm chỉ, sợ bọn chỉ điểm theo dõi. Tôi ngày đêm cầu trời khấn phật phù hộ cho nó. Thế mà không được. Ông trời hại tôi! Thằng Tây hại tôi! Anh ạ, tôi đã già, sống nhiều, tôi nghiệm rằng ở đời thường cứ việc gì mình không muốn, thì nó lại đến, việc gì mình càng sợ, nó lại càng đến nhanh… Thế rồi cái việc đáng sợ nhất, kinh khủng nhất đã đến với tôi.
Việc xảy ra đã ba bốn chục năm trời mà tôi còn nhớ như in. Hôm ấy, mới mờ sáng, bọn lính dõng ở đồn Thọ Lão ấp về làng. Tôi đang thổi cơm, vừa vùi xong nồi cơm,bỗng nghe ngoài đường có tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, tiếng la thét: “Đứng lại! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”. Hốt hoảng, tôi dụi lửa, chạy ra sân nghe ngóng, thấp thỏm lo cho thằng Nhất, không biết nó chạy đâu. Vừa lúc ấy có người hớt hơ hớt hải chạy vào nhà. Anh ta người dong dỏng cao, mặc quần áo nâu rách nát, khuôn mặt gầy guộc, xanh xao. “Mẹ ơi, nhà có chỗ nào nấp được không?” Anh ta hỏi, nhìn tôi cầu cứu, đoạn đưa mắt nhìn quanh. Trước nhà là hàng rào cúc tần, bên đó là mấy cây chuối, trống đến con gà đậu dưới cũng nom rõ. Sau nhà là một khoảng vườn nhỏ, trồng rau, không có cây to, cũng không có ao. Trong nhà lại càng trống hơn, trơ trọi hai cái giường tre ở hai gian bên và bàn thờ tổ tiên ở gian giữa. Hoàn toàn không có chỗ nào ẩn nấp được. Anh thanh niên lắc đầu thất vọng, đưa mắt nhìn ra đường. Bọn lính đã chạy đến đầu đường cái, chỗ ngã ba gần nhà tôi. Chúng dừng lại một lát, ý chừng đoán định đối tượng chạy ngả nào, đoạn tỏa ra, đổ vào các nhà gần đấy. Mấy thằng đi thẳng vào nhà tôi. Tình hình nguy cập quá, tôi kéo anh cán bộ vào nhà, đẩy anh nằm lên giường, kéo chăn đắp cho anh, lại đắp thêm một chiếc chiếu, bảo anh giả vờ ốm. Vừa xong thì bọn lính ấp vào nhà. Đi đầu là thằng Đội Rỗ. Dân vùng này gọi thế vì nó đóng đội, mặt lại rỗ. Một thằng khét tiếng nanh ác, giết người như giết ngóe. Nó hất hàm hỏi tôi, tay lăm lăm khẩu súng lục: “Con mụ này, có thấy thằng Việt Minh chạy vào đây không? ” Tôi nói “Thưa, không ạ”. Nó lại hỏi: “Có thấy thằng lạ mặt nào chạy qua đây không?” Tôi lại nói: “Thưa, không ạ”. Nó quát: “Không à? Im cái mồm. Rõ ràng mắt tao trông thấy có một thằng chạy vào đây. Trong nhà có ai không?” Tôi chột dạ: “ Thưa … chỉ có thằng con tôi, nó ốm đã mấy ngày hôm nay, không có thuốc thang gì … Các quan thương, xin các quan cho mẹ con tôi xin vài viên thuốc cảm.”. Thằng Đội Rỗ gắt: “Thuốc thang gì cho bọn Việt Minh chúng bay! Vào xem!” – Nó ra lệnh và hất hàm cho cả bọn. Tôi run quá, cố làm ra vẻ bình tĩnh, chạy lại giường anh cán bộ nằm, mở chiếu, vén chăn “Con ơi… Dậy! Có còn rét lắm không? Các quan trên đồn về, mẹ đang xin các quan thuốc cho con đây. Con dậy chào các quan đi!”. Anh cán bộ từ từ mở mắt nhìn bọn lính, nói giọng run run: “Cảm ơn các qu…a…an. Con vẫn còn rát lắm. Mẹ rót nước mời các quan uống đi”. Nó nói, lại rên lên hừu hừ, đoạn bảo tôi lấy một ngụm nước. Nó đóng khéo quá, bộ mặt lại gầy gò, xanh xao như người ốm thật, Bọn lính tin, định bỏ đi. Thằng Đội Rỗ lại hỏi: “Nhà còn ai nữa không?” Tôi nói: “Thưa, không ạ!” Nó hỏi: “Con cháu mụ đâu cả rồi?” Tôi buột miệng nói: “Thưa …số tôi hiếm hoi, ông trời chỉ cho tôi có một mình thằng Nhất thôi ạ”. Tôi nói xong câu ấy biết ngay là mình nhỡ nhời. Tôi ân hận quá. Cái mồm tôi làm hại đời tôi. Anh ạ, bao nhiêu năm về sau và ngay cả bây giờ, cứ nghĩ tới câu ấy ruột gan tôi lại quặn đau, nôn nao, khó chịu lạ thường. Có lẽ đến khi nằm dưới mồ tôi cũng không thể yên lòng được vì đã nói ra câu ấy. Anh ơi, tại sao tôi lại nói như thế? Tại sao tôi lại nói như thế cơ chứ? Tôi ngu quá. Tôi dốt quá. Tôi có tội quá. Anh ơi, thế có phải là chính tôi đã giết nó không? Có phải như thế là chính mẹ đã giết con không?
Mẹ Nhất dừng lại hồi lâu, không nói được. Toàn thân mẹ, từ cái lưng còng đến hai vai nhỏ nhắn và xương xẩu, từ đầu gối, cánh tay đến bàn chân, bàn tay gầy guộc, dăn dúm, những thớ thịt nhão ở má và ở cổ… tất cả cùng rung lên nhè nhẹ như người lên cơn sốt. Mặt mẹ đỏ bừng, tròng mắt cũng đỏ, từ đó lấp lia những tia sáng rối loạn. Mẹ thở mạnh liền mấy cái, rồi hình như hơi thở bị chặn, xô đẩy, không thoát ra được khiến lồng ngực cuộn lên, và từ cổ họng nổi lên một vài tiếng cục cục và liền sau đó là tiếng nấc. Mẹ khóc, hai vai rung lên từng đợt. Mẹ nâng vạt áo lau mắt, rồi gục đầu vào vạt áo đó, nức nở hồi lâu…
Con người ta, dù sắt đá đến đâu, có thể chịu đựng được những tiếng khóc đau thương, thậm chí có thể chịu đựng được tiếng em nhỏ khóc, nhưng làm sao có thể chịu được tiếng khóc của một mẹ già đã bảy tám mươi? Hình như tôi cũng lặng đi hồi lâu và tôi rút khăn tay lau mặt. Đợi mẹ bình tĩnh lại, tôi gạn hỏi:
- Thế rồi sao nữa mẹ?
- Anh ạ, anh đừng cười tôi mau nước mắt nhé. – Mẹ lấy một tiếng trầu khác, bỏ vào mồm nhai đoạn kế tiếp. – Tôi ngu quá. Tôi dại quá. Tôi có tội quá. Tại sao tôi lại buột miệng nói lên câu ấy. Tại sao tôi lại nói có một con thôi? Vô phúc cho tôi quá, vừa nói xong câu ấy, thì thằng Nhất ở đâu xồng xộc chạy về, hình như không biết trong nhà đang có giặc. Bọn lính túm ngay lấy nó, reo lên: “ A, thằng này, mày định chạy đâu?” Nó nói: “Các ông tha cho, tôi không có tội gì, tôi về nhà tôi, chứ có dám chạy chọt gì đâu”. “Nói láo, nhà mày đâu?” “Thưa… nhà tôi đây ạ”. “Lạy bố… đừng vờ vịt. Nhà đâu, khai ngay, ông đánh bỏ mạng bây giờ!” “Thưa … nhà tôi đây. Chính nhà tôi đây mà. Tôi vẫn ở nhà làm ăn lương thiện với mẹ tôi”. Nói rồi, nó đảo mắt quanh nhà, thấy tôi, nó mừng rỡ reo lên: “Kìa, mẹ!” Biết làm thế nào bây giờ? Người tôi lạnh toát. Tôi đứng yên, không dám nhìn ai, cũng không dám nói câu gì. Thằng Đội Rỗ quay lại hỏi tôi: “Mụ kia, mụ vừa nói có một con thôi, thằng này là thằng nào, có phải con mụ không?”. Anh ơi, anh thử nghĩ xem, trong hoàn cảnh ấy thì phải làm thế nào. Thằng con tôi… Không nhận nó thì … thế là hết. Nhận nó, thì anh cán bộ kia sẽ thế nào? Thằng giặc sẽ giết nó. Nó là cán bộ của Cụ Hồ. Một người cán bộ lúc ấy quý lắm chứ có phải bình thường đâu. Đường nào cũng khốn. Người tôi run bắn lên, đứng không vững nữa, phải ôm chặt lấy cái cột nhà cho khỏi ngã. Bọn lính nhìn nhau, đoạn thằng Đội Rỗ tiến thẳng đến trước mặt tôi, sừng sổ: “ Thế nào, con mụ này, câm à? Thằng này là thằng nào. – Nó nói vừa chỉ vào thằng Nhất. – Có phải con mụ không?”.
Tôi sẽ lắc đầu. Trời ơi, anh có tưởng tượng được cảnh tượng gì đã xảy ra không? Anh cán bộ giật bắn người, ngồi nhỏm dậy như định chạy ra nhận mình là cán bộ. Còn thằng con tôi, nó mở to đôi mắt hết nhìn tôi lại nhìn bọn lính, đờ đẫn như mắt người điên hay mắt con gà bị cắt tiết vậy. Nó đứng yên như tượng gỗ, đoạn nó chập choạng tiến lên mấy bước, hai tay quờ quạng về phía sau: “Ô…ô…ô…!” Nó định nói gì, nhưng không nói được. Bọn lính không để cho nó nói, một thằng tát nó một cái rất mạnh làm cho nó lảo đảo suýt ngã, rồi cả bọn túm nó, lôi đi. Tôi bám chặt lấy cái cột nhà mà nhìn theo. Mắt tôi hoa lên. Xung quanh tôi, trời đất, nhà cửa, cây cối như quay cuồng, đảo lộn. Mặt đất chông chênh.Tôi có cảm tưởng như mình đang đi trên con thuyền, gặp bão, sóng to gió lớn lật úp con thuyền, hất tôi xuống nước. Tôi ngã xuống và ngất đi. Lúc tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên giường, anh cán bộ đang lay gọi tôi, xung quanh có rất nhiều bà con thân thuộc. Tôi nhớ lại ngay sự việc vừa xảy ra. Trước mắt tôi hiện ra rõ như in dáng đi chập choạng, vẻ mặt sửng sốt, con mắt ngây dại của thằng Nhất và cả lời thốt lên! “ Ô…ô…ô” không thành tiếng của nó. Có lúc đôi mắt ấy bỗng trở nên dữ dằn, trừng trừng nhìn tôi và lời thốt ấy lại vang vọng, thì thào, bí mật như một làn gió lạnh từ cõi âm thoảng tới. Tôi lạnh toát cả người. Trước mắt tôi, trời đất, nhà cửa, quay cuồng, đảo lộn. Tất cả đỏ như máu, rồi chuyển sang hồng; sang vàng vọt, rồi xám, rồi đen kịt. Tôi thấy như mình đang đi trong đêm tối mù mịt, vừa đi vừa gọi con. Ma quỷ đến bắt mất con tôi và tôi quyết đi đòi lại. Ngày xưa Phạm Công đi tìm vợ, ngày nay tôi đi tìm con. Dẫu đường sá xa xôi, có phải xuống âm ty, địa ngục tôi cũng không sợ.Tôi nhớ như là tôi đang đi qua sông, đi đò, đò đang ở giữa sông, chợt nghê có tiếng ai gọi giật lại. Tôi dừng đò và quay vào bờ. Ở đây có đông người chờ sẵn, họ túm lấy tôi, lôi lên. Không biết những người ấy thù ghét gì tôi mà họ hò nhau đổ nước lên đầu, lên mặt tôi, lại cả nước giải nữa. Tôi phục tùng, nằm yên, nhắm nghiền mắt lại, bỗng tôi lại mở mắt ra và nhận ra mình vẫn nằm trên giường, bên cạnh là anh cán bộ và bà con thân thích. Mọi người khuyên nhủ tôi bình tĩnh, bớt lo phiền, sớm muộn thế nào thằng Nhất cũng được về. Người ta mang đến cho tôi một bát cháo nóng, bắt phải ăn.Nể quá, tôi cố nhấp vài thìa. Anh cán bộ thì chăm sóc tôi từng ly từng tý, chu đáo có phần còn hơn thằng Nhất.Rồi anh ở lại luôn, xin làm con nuôi tôi.
Thằng Nhất bị bắt, có thằng Tâm (Tâm là tên nó, thằng cán bộ con nuôi tôi), nhà cũng đỡ trống vắng, nhưng lòng tôi luôn lo nghĩ rối bời. Ngày nào tôi cũng lên huyện, lần mò quanh đồn giặc thăm dò tin tức, nhưng chẳng biết được tình hình thằng Nhất ra sao. Thằng Tâm cũng cố gắng qua các đường dây để nắm tin, nhưng cũng chưa có kết quả gì. Nó hứa sẽ tìm mọi cách để đánh tháo cho thằng Nhất trốn khỏi đồn giặc. Ở nhà nó đào hầm bí mật ở góc vườn để đề phòng bọn giặc đột nhiên mò tới. Quả nhiên, đúng như dự đoán, một hôm thằng Đội Rỗ lại dẫn một toán lình ập đến. May mà thằng Tâm xuống hầm kịp thời. Thằng Đội Rỗ ngó nhìn quanh quẩn. Nó rút súng ngắn, thổi phù phù vào nòng súng, bảo tôi: “Này, mụ Nhất, hôm trước mụ đánh lừa chúng tao!” Tôi chột dạ. Sao chúng nó lại biết cả tên mình? Tôi cố giữ vẻ tự nhiên chờ đợi. “ Cái thằng bị bắt, tên nó là Nhất, - Đội Rỗ tiếp, - chính nó là con mụ Thằng nằm ở giường mới là Việt Minh. Mụ dám cả gan lừa chúng tao!” Đến nước ấy tôi bỗng liều: “Thưa quan, - tôi nói, - cả hai đứa đều là con tôi đẻ ra”, “Vì sao hôm ấy mụ không nhận thằng Nhất”. “Thưa, tôi từ nó rồi”. “Tại sao từ?”, “Thưa, vì nó hư, dạy không được”. Thằng Đội Rỗ quát: “Im cái mồm. Láo toát. Đừng hòng đánh lừa chúng tao lần nữa. Thằng kia, tức thằng Việt Minh, mụ vẫn giấu trong nhà, nó đâu?”. Tôi tìm cách chống chế: “Thưa, tôi cho nó ra Hà Nội làm ăn. Nó vẫn ở trên ấy” Nó quát: “Láo toét! Nhà mụ có hầm. Mụ giấu nó dưới hầm!” Tôi chột dạ, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh: “Thưa… làm gì có sự ấy. Tôi có biết hầm hào là thế nào đâu”. Nó gõ đầu khẩu súng vào đầu tôi, bảo: “Hầm đâu, mụ phải khai! Khai ra, thì tao thả cho thằng Nhất về. Không khai thì đứng ra kia!” Nói đoạn nó kéo tôi ra trước cửa nhà, bắt tôi đứng sát vào gốc một cây chuối tiêu lùn, rồi nó lùi lại bốn năm bước, giơ súng chĩa thẳng vào mặt tôi. Nó bảo: “Tao đếm một, hai, ba – đến lần thứ ba mà không khai thì tao sẽ bắn, cái viên đạn này nó không sợ cái đầu rắn của mụ đâu. Nghe đây!” Nó đếm: “Một!” Tôi đứng yên và ngước mắt nhìn trời! Nó đếm: “Hai”! Tôi vẫn đứng yên và nghĩ đến thằng Tâm dưới hầm. Tôi nhăn mặt lại và nghĩ đến thằng Nhât, chỉ thương nó côi cút một mình. Lại nhớ lại như in cảnh tượng hôm nó bị bắt, con mắt và lời nói ngay dại của nó. Bụng dạ bỗng bồn chồn. Không biết bây giờ nó ở đâu. Không biết nó có hiểu cho lòng tôi không. Nó không hiểu thì tôi chết không thể nào nhắm mất. Tôi mở mắt ra và ngửa mặt nhìn trời xanh, nghe như từ trên đó tiếng nói qua làn gió thì thào: “Cái chết của con sẽ làm cho thằng Nhất hiểu rõ bụng con!” Tôi chợt hiểu, bình tĩnh lại, và lại nhắm mắt, chờ đợi tiếng súng nổ.
Nhưng không có tiếng súng nổ, chỉ có tiếng thằng Đội Rỗ cười gằn. Tôi mở choàng mắt. Thằng Đội Rỗ tra súng vào vỏ. “Mụ già gớm lắm, - nó nói. – Mụ chưa chết được đâu. Chúng tao chưa tóm được những thằng kia thì chưa để cho mụ chết. Muốn chết thì cứ việc nuôi Việt Minh!”. Nói rồi, nó vẫy đồng bọn bỏ đi.
Tình thế này thì thằng Tâm không ở nhà được nữa, phải chuyển đi nơi khác. Thỉnh thoảng nó giới thiệu bạn bè qua nhà tôi, khi thì chốc lát, khi thì ở lại dăm ba ngày, có khi tổ chức họp hành ngay tại nhà. Nhà tôi trở thành một đầu mối cơ sở hoạt động của ta từ hồi đó.
Hồi ấy tôi có đóng góp được chút ít việc làm tốt cho cách mạng. Cũng lại được cách mạng quan tâm. Các anh cán bộ bàn nhau điều tra tình hình thàng Nhất. Ít hôm sau các anh ấy thông báo: thằng Nhất không còn ở nhà giam đồn huyện nữa, chúng nó chuyển lên tỉnh rồi.
Thế là tôi khăn gói lên tỉnh, bỏ qua những lời can ngăn của các anh cán bộ và bà con xóm làng. Từ nhà ra tỉnh năm sáu chục cây số, lại có rất nhiều đồn bốt giặc. Tôi chẳng sợ. Tay chống gậy, lưng đeo bị, ăn mặc nhếch nhác như một mụ ăn mày, tôi vượt qua hết, vào đâu cũng lọt.
Nhưng vào dinh quan sứ Tây đầu tỉnh thì không lọt được. Thằng này có tên Tây, nhưng tôi không nhớ được, chỉ biết người ta gọi nó là ông Sáu. Nó cai quản vùng này quyền thế như một ông vua, muốn bắt ai thì bắt, muốn giết ai thì giết, kế cả những người Nam dưới quyền. Nó không yêu gì, không ghét gì, chỉ thi hành quyền lực như một cỗ máy, cái gì phù hợp với quyền lợi của nước Đại Pháp thì lựa chọn, cái gì trái thì loại bỏ. Nó giết rất nhiều người mình, cán bộ mình. Biết ai là Việt Minh nó cho bắn ngay. Nó nói: “Cái đầu óc Việt Minh không tẩy rửa được đâu. Nuôi tốn cơm”. Nghi ai là Việt Minh, nó cũng bắn. Nó nói: “Thà bắn sai còn hơn bỏ sót”. Ý nó đã quyết là hành, không ai can ngăn được. Ấy vậy mà nó lại nghe mẹ nó. Biết tính nó, thỉnh thoảng bà ta bay từ Pháp sang để hạn chế tội ác của nó, nhưng nhiều khi cũng bất lực.
Vì vậy gặp nó là rất nguy hiểm. Nhưng tôi không sợ. Tôi quyết tâm gặp nó. Nghe người ta nói rằng nó quyết định số phận của tất cả những người tù, những người bị bắt đưa đến đây. Tôi lần mò tìm đến cổng đồn quan Sáu, xin vào, nhưng bọn gác giữ lại, đuổi đi. Tôi không đi. Tôi cứ đứng đấy, rồi ngồi đấy, lại ăn ở đấy, ngủ ở đấy. Việc này chắc là đến tai thằng Sáu. Một buổi sáng, nó cho gọi tôi vào. Nó hỏi lý do tôi xin gặp. Tôi nói tôi đi tìm con. Nó hỏi tên họ thằng con, quê quán, lý do bị bắt. Tôi khai rõ, tất nhiên là nói nó bị bắt oan. Tôi nói tiếng ta thằng Sáu nói tiếng Tây, câu chuyện phải qua một người thông ngôn. Thằng Sáu hạ lệnh cho tùy tùng giở hồ sơ sổ sách tìm. Lát sau bọn chúng mang đến một quyển sách dày. Thằng Sáu chăm chú xem, rồi bảo tôi: “Con mụ là Việt Minh, tội chết” Tôi kêu oan. Nó khoát tay bảo im. Tôi xin được vào thăm con. Nó nói: “Không được!” Tôi cố nài nỉ. Nó nói: “Không được!” Tôi có nài nỉ. Nó nói: “Mụ yêu con mụ lắm à?” Tôi nói: “Mẹ nào chẳng yêu con”. Nó nói: “Nếu vậy mụ ghét ta lắm phải không?” Tôi im. Nó nói: “Im lặng tức là đồng ý. Mụ cũng là Việt Minh”. Lát sau nó nói, tất nhiên là qua người thông ngôn, rằng trường hợp của tôi là đặc biệt, nó ban cho tôi một đặc ân là được gặp mặt con kèm theo một đặc ân nữa là được chết cùng con, bởi hai mẹ con đều là Việt Minh. Tôi nói, cứ cho tôi vào thăm con, rồi muốn làm gì thì làm. Đã đến nước này thì tôi chẳng sợ gì, mà cũng chẳng còn gì để mà sợ. Thằng Sáu hẩy tay bảo hai thằng lính dẫn tôi đi. Nhà giam cũng ở trong khu đồn này, nhưng cách chỗ ở của thằng Sáu vài ba trăm mét, xung quanh là mấy hàng rào dây thép gai, hào sâu, tường cao, trên tường san sát mấy hàng dây điện trần, lại mấy lần cửa, mấy lần hành lang, lính gác, đường đi thăm thẳm uy nghiêm như là xuống âm ty, địa ngục vậy. Chúng dẫn tôi đến một của ngách tối tăm, nhìn quanh, rồi dừng lại trước một phòng có đánh số, mở khóa và đẩy tôi vào. Qua ánh sáng mờ mờ của căn phòng kín và chật, tôi nhìn thấy ở góc phòng một người thanh niên ngồi bó gối, quần áo rách nát, mở to mắt nhìn tôi.Định thần hồi lâu, tôi mới nhận ra qua cái dang người gầy guộc kia, qua cái khuôn mặt hốc hác tím bầm nhiều chỗ, xanh tái kia, và nhất là con mắt, con mắt sâu và trong sáng thông minh kia một cái gì rất thân thuộc. Người ấy bật miệng kêu lên: “Mẹ!” Và thoắt đứng dậy, ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng ôm chầm lấy hai vai nó. Không phải thằng Nhất, mà là thằng Tâm, anh ạ. Hai mẹ con tôi cùng khóc, hồi lâu không nói được câu gì. Bình tâm lại, đang định hỏi chuyện, thì hai thằng lính ban nãy ập vào, lôi cả hai mẹ con đi. Thằng Tâm bị trói khóa tay, còn tôi thì không.Chúng dẫn chúng tôi trở lại nhà thằng Sáu, gian phòng ban nãy.
Thằng Sáu vui vẻ đón chúng tôi, ra hiệu cho chúng tôi ngồi, lại vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, tất nhiên là thông qua người thông ngôn nọ. Nó nói: “Mẹ con gặp nhau rồi, vui không?” Chúng tôi nói lời cảm ơn. Nó nói: “Mẹ con cùng là Việt Minh, gặp nhau, vui lắm rồi, bây giờ được cùng chết, có vui không?” Chúng tôi im lặng. Nó lại nói: “Bây giờ ban cho hai mẹ con một đặc ân nữa: cho hai người lựa chọn – ai nhận bị bắn trước, ai sau!” Chúng tôi im lặng. Thằng Sáu hỏi tôi. Tôi lặng thinh. Nó gặng hỏi lần thứ hai, tôi vẫn lặng thinh. Nó làm ra lễ phép: “Bà sợ à, thưa bà Việt Minh”. Tôi gắt: “Tao! Bắn tao trước”.
- Bà có thể cho biết vì sao, thưa bà?
- Vì tao già rồi. Con tao còn trẻ, tao muốn cho nó được sống thêm phút nào hay phút ấy.
- Tốt, tốt! – Nó vẫn nói vẻ tự nhiên như không. – Thế còn đồng chí du kích trẻ, ý kiến đồng chí thế nào?
Thằng Tâm ngẫm nghĩ, đoạn nói, giọng trở nên nghiêm chỉnh lạ thường:
- Thưa ngài quan sứ, xin cho tôi được chết trước.
- Đồng chí có thể cho biết vì sao?
- Tôi hy vọng rằng sau khi tôi chết, ngài sẽ tha cho mẹ tôi. Mẹ tôi không có tội gì.
Thằng Sáu ngẫm nghĩ, đoạn nó quyết định: Cho cùng bắn một lúc. Chúng nó dẫn ngay mẹ con tôi đi, ra trường bắn. Trường bắn ở phía sau nhà thằng Sáu, cách chừng trăm mét. Ở đấy có một bức tường cao, trước tường đã chôn sẵn bốn năm cái cọc gỗ. Chúng nó trói hai mẹ con tôi, mỗi người vào một cọc. Chúng tôi bảo không cần trói, chúng nó cũng nghe. Chúng nó lấy mảnh vải đen bịt mắt chúng tôi lại. Chúng tôi bảo không cần bịt mắt, chúng nó cũng ưng. Bọn đao phủ có đến một tiểu đội, tôi đếm đủ mười hai thằng. Mười một thằng cầm súng trường xếp thành hàng chữ nhất, một thằng cầm súng lục đứng trước, chắc là tên chỉ huy. Chúng nó đứng cách chỗ chúng tôi chừng vài chục bước, lăm lăm tay súng, sẵn sàng đợi lệnh. Mẹ con tôi nhìn nhau, thay lời vĩnh biệt.Tự nhiên tôi thấy cứng rắn hẳn lên, không sợ gì hết. Trông vẻ thằng Tâm cũng thế. Tôi nói: “Chết cho Tổ quốc là rất tốt, không có gì phải ân hận”. Nó bảo: “Vâng”. Chợt tôi nhớ đến thằng Nhất. Tôi buột mồm: “Chỉ thương cho thằng Nhất!”. Nó nói: “Em Nhất sẽ trả thù cho mẹ con mình”.
Tôi đang định nói thêm một câu gì đó, thì chợt nghe thằng chỉ huy hạ lệnh và cả bọn giương súng lên. Chúng tôi, hai mẹ con nhìn nhau đăm đắm và cùng chìa tay ra nắm chặt lấy tay nhau, sắn sàng chờ đợi.
Lúc đó không khí trường bắn yên tĩnh và căng thẳng lạ thường. Thằng chỉ huy chỉ cần nói một câu cuối cùng là mọi chuyện kết thúc xong xuôi và gọn gàng, nhưng hình như trong chúng nó cũng còn có cái gì đó băn khoăn, nên còn chần chừ. Giữa lúc đó, vang lên một tiếng thét từ phía nhà thằng Sáu, rồi thấy hiện ra, đến gần, mỗi lúc một rõ, một người đàn bà Tây, ăn vận sang trọng, tất tả chạy đến. Bà ta quát lên một tiếng gì đó, đoạn bước đến trước mắt bọn lính, dang tay ra. Bọn lính không ai bảo ai, nhất loạt hạ súng xuống. Bà ta lại nói một câu gì đó. Bọn lính không ai bảo ai, cùng lủi thủi trở về. Tôi đoán người đàn bà này là mẹ thằng Sáu. Bà ta tiến đến gần chúng tôi và bỗng ôm choàng lấy tôi, khóc thút thít như trẻ con. Tôi cũng khóc và choàng vai bà ấy. Thế ra trên đời này, không kể tiếng nói, màu da, các bà mẹ đều thương con và thương nhau. Nhưng chúng tôi có thể làm gì được không, ngoài những giọt nước mắt.
Người đàn bà ấy dìu một bên là tôi, một bên là thằng Tâm trở lại nhà thằng Sáu. Thằng Sáu đón tiếp chúng tôi niềm nở và lịch sự, có phần hơn trước. Người đàn bà nói với nó một câu gì đó. Nó quay lại nói với chúng tôi, tất nhiên là vẫn phải qua người thông ngôn. “Với ta, bà là Tổ quốc! Tổ Quốc bảo tha là tha!” Bọn lính cởi khóa tay cho thằng Tâm. Người đàn bà lại nói với thằng Sáu một câu gì đó. Nó lại quay lại nói với chúng tôi: “Với ta, bà là Tổ quốc! Tổ quốc bảo thả là thả!”.
Chúng tôi thật ngỡ ngàng. Tôi chạy đến cám ơn người đàn bà Pháp. Bây giờ đến lượt tôi ôm choàng lấy bà ta, và chúng tôi cùng khóc.
Chuyện cứ như mơ ấy, anh ạ. Mẹ con tôi được tha, dắt díu nhau về nhà. Thằng Tâm chỉ ở với tôi được mấy ngày, rồi lại đi. Và đi biệt mãi. Nó vào bộ đội chính quy, đánh nhau ở hết chiến trường này đến chiến trường khác.
Ở nhà, tôi đi khắp nơi thăm dò tìm tin tức thằng Nhất. Ở huyện không có. Ở tỉnh không có. Tôi đi lên Hà Nội, vào nhà tù lớn Hỏa Lò hỏi cũng không có. Người ta bảo hay là bọn giặc đưa nó ra Côn Đảo, hay là … hay là chúng nó thủ tiêu nó rồi. Toàn những chuyện hay là… hay là… Không biết lối nào mà lần. Thôi thì cứ coi như nó đã chết rồi. Cứ nhớ ngày nó bị bắt mà làm giỗ. Như là với bố nó. Nhưng tôi vẫn hy vọng.
Hòa bình lập lại. Ta đánh thắng Pháp. Những người đi xa lần lượt trở về. Tôi mòn con mắt trông mong thằng Nhất. Không thấy nó, chỉ có thằng Tâm trở về. Nó về ít ngày, rồi lại phải đi vào Nam đánh Mỹ. Người ta bảo tôi: “Có thể thằng Nhất vẫn còn sống, nó được phân công công tác đặc biệt ở miền Nam. Tôi chỉ biết nghe, và chờ đợi. Chờ đợi cả thằng Tâm và thằng Nhất”.
Kể làm gì nhừng ngày chờ đợi. Thời gian cứ thế trôi. Tôi cũng già đi rất nhanh. Rồi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những người đi xa lần lượt trở về. Tôi lại thấp thỏm hy vọng. Ngày đêm lúc nào tôi cũng mong đợi và nguyện cầu một tiếng nói oang oang từ ngoài ngõ: “Mẹ ơi, con về đây!” rồi một bóng người trai trẻ, khỏe đẹp chạy vội vào nhà, ôm chầm lấy tôi mà khóc và kể lể hàn huyên. Thế rồi cái ngày ấy đến thật. Một buổi chiều, tôi vừa ăn cơm xong, đang thu dọn, thì nghe có tiếng nói to và vang từ ngoài cổng, vui như một tiếng reo: “ Mẹ có nhà không đấy?” Tôi mừng rỡ, định chạy ra đón, nhưng không đứng vững, phải ngồi xuống giường bám chặt lấy thành giường, cố giương to mắt nhìn định thần lại, tưởng mình mê ngủ. Một người dáng cao lớn, mặc quân phục, chạy vội vào nhà, reo lên: “Mẹ ơi, con về đây!”. Tôi bồi hồi, giơ tay ra …Không phải thằng Nhất mà là thằng Tâm, anh ạ. Anh bảo tôi nên cười hay khóc? Tôi vừa cười, vừa khóc, anh ạ. Thằng Tâm về là tôi mừng rồi. Con nuôi mà có lòng thì cũng như con đẻ. Nó rất thương tôi, lại chu đáo. Nó bảo tôi: Khả năng thằng Nhất còn sống là rất ít, nhưng cũng chưa hết hy vọng; theo chỗ nó biết thì hiện nay có những người còn sống, nhưng chưa được về với gia đình và cũng không có tin tức, như những người được phân công đi làm nhiệm vụ quốc tế, những người làm công tác đặc biệt… thế lại càng tội cho tôi. Sống thì nói sống, chết thì nói chết, đằng này…
Kể đến đây mẹ Nhất bỗng dừng lại. Mẹ nhìn tôi hồi lâu, đoạn hỏi:
- Anh là người có học. Tôi hỏi thật anh nhé. Anh thấy ở trên đời này có còn ai ở cảnh ngộ như tôi không?
Tôi trả lời mẹ là hiện nay chưa có tổng kết, nhưng những người có người thân mất tích trong chiến tranh không nhiều, mà cũng không ít, ở nước ta có, ở Pháp, ở Mỹ cũng có, ở Triều Tiên, Trung Quốc đều có, trước đây thì ở Đức, ở Nga, ở Nhật … nói chung là tất cả nơi nào có đánh nhau.
Rồi tôi nâng bàn tay mẹ lên, như từng nâng bàn tay của mẹ tôi, bàn tay gầy guộc, xương xẩu với những ngón dài và thon thả. Bỗng tôi cảm thấy sững sờ, sửng sốt: bàn tay này quen quá, hình như tôi đã từng nhìn thấy nhiều lần, có những nét giống như bàn tay của mẹ tôi, giống như bàn tay ở chùa làng, trên bệ thờ…
Khi tôi viết những dòng này thì mẹ Nhất không còn nữa. Có lẽ mẹ đã được gặp người con thân yêu của mẹ. Tôi bỗng nhớ như in bàn tay của mẹ và tôi thấy bàn tay ấy giống như in bàn tay mẹ tôi, bàn tay ở chùa làng, trên bệ thờ. Không rõ ở cõi ấy mẹ có được yên lòng hay không.
(Ông Già Thạch Sanh – NXB Thanh Niên – Năm 1998)