HỘI THẢO KHOA HỌC TỔ XÃ HỘI TRƯỜNG THPT TIÊN LỮ

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, chiều thứ 2, ngày 13 tháng 01 năm 2020 tại phòng Hội đồng trường THPT Tiên Lữ đã diễn ra Hội thảo khoa học của tổ Xã hội về chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo dạy và học các môn khoa học xã hội”.

Hội thảo chuyên môn của Tổ Xã hội
 

Đến dự Hội thảo gồm có các thầy cô trong Ban Giám hiệu Nhà trường, các thầy cô giáo thuộc Ban Chuyên môn và sự có mặt của hơn 40 học sinh đại diện cho các khối lớp trong Nhà trường.

Mở đầu buổi Hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Biên - Tổ Trưởng Tổ Xã hội lên đọc diễn văn khai mạc Hội thảo.

 

Thầy Vũ Trọng Biên đọc điễn văn khai mạc Hội thảo
 

Tiếp theo Hội thảo được lắng nghe lời phát biểu, chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng Vũ Thanh Bình. Trong lời phát biểu của mình, thầy nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thực tiễn xã hội cũng luôn vận động phát triển. Theo đó, hệ thống giáo dục cũng cần phải đổi mới. Trong đó đổi mới phương pháp giáo dục là hết sức cần thiết”.

 

Thầy Vũ Thanh Bình phát biểu chị đạo Hội thảo
 

Sau lời phát biểu của thày Vũ Thanh Bình, Hội thảo được lắng nghe các bản tham luận vể chuyên môn của các thầy cô đại diện cho các bộ môn: Lịch sử, Địa lí, GDCD, Quốc phòng - An ninh.

 

Cô Nguyễn Mai Thanh báo cáo tại Hội thảo
 

Trong bài tham luận với chủ đề “Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học Lịch sử cô Nguyễn Mai Thanh đã nhấn mạnh: Việc sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học Lịch sử, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học, đồng thời  góp phần rèn luyện khả năng tư duy, khả năng phối màu thẩm mĩ của học sinh... Ưu điểm của sơ đồ tư duy sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế của bộ môn Lịch sử… cũng như sơ đồ tư duy có thể sử dụng rộng rãi trong tất cả các môn học.

Thầy Phan Văn Quí đại diện cho giáo viên môn Địa lí có bài tham luận với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả sử dụng một số phương tiện - thiết bị dạy học bộ môn Địa lí”. Qua tham luận của mình, thầy chỉ rõ thực trạng, kết quả và phương hướng sử dụng một số phương tiện dạy học đặc thù của bộ môn Địa lí (Atlát Địa lí Việt Nam, Tập Bản đồ Địa lí 10, 11, 12) và thiết bị nghe - nhìn (máy tính, máy chiếu) giúp học sinh dễ dàng khai thác, nắm vững cũng như làm các bài tập Địa lí trong quá trình học tập một cách có hiệu quả nhất.

 

Thầy Phan Văn Quý báo cáo tại Hội thảo
 

Môn Giáo dục Công dân tham gia Hội thảo với tham luận “Đổi mới dạy học môn GDCD lớp 12 thông qua phương pháp đóng vai - "Phiên tòa giả định” do cô Ngô Thị Quyết trình bày. Trong tham luận nêu rõ: Việc truyền tải kiến thức theo lối mòn dẫn đến tình trạng học sinh nghe nhàm chán, học thụ động, các em ít quan tâm, ít hứng thú với môn học... Để khắc phục tình trạng đó, giáo viên đã sử dụng lồng ghép, phối kết hợp các phương pháp kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh được tham gia tích cực vào quá trình học tập như phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học hợp tác, dạy học theo góc, dạy học theo dự án... đồng thời kết hợp với các kĩ thuật dạy học tích cực như kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật mảnh ghép, kĩ thuật sử dụng sơ đồ tư duy…

 

Cô giáo Ngô Thị Quyết báo cáo tại Hội thảo
 

Để minh họa cho nội dung của bản tham luận, các thầy cô cùng các em học sinh có mặt trong buổi Hội thảo đã được xem một phiên tòa giả định do các em học sinh lớp 12A4 thể hiện.

 

Phiên tòa giả định do các em học sinh lớp 12A4 thực hiện
 
Các cô và trò sau khi thực hiện xong phiên tòa giả định
 

Cô Hoàng Thị Hương đại diện cho nhóm giáo viên Giáo dục QP - AN tham luận về “Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Qua bản tham luận của cô Hương, mỗi chúng ta thấy được vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biền đảo quê hương. Đây cũng là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mỗi người học sinh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

 

Cô giáo Hoàng Thị Hương báo cáo tại Hội thảo
 

Sau các bài tham luận, các học sinh tham dự Hội thảo được trải nghiệm phần trò chơi hết sức sôi động, lôi cuốn với bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan tích hợp giữa các bộ môn Địa lí, Lịch sử, GDCD và Giáo dục QP - AN, với nội dung kiến thức từ trong sách vở đến kiến thức trong đời sống. Qua phần trò chơi này các em thấy được mối liên hệ giữa kiến thức trong sách vở với thực tế đời sống, để từ đó các em có thể vận dụng kiến thức trong các bài học vào việc giải quyết các vấn đề được đặt ra trong thưc tiễn.

 

Các em đội chơi số 1 thực hiện câu hỏi ghép hình Lược đồ Việt Nam
 
Kết quả ghép hình Lược đồ Việt Nam
 
Tổng kết và trao phần thưởng cho các đội chơi
 

Đổi mới phương pháp dạy học là chuyển từ việc dạy học truyền thụ tri thức một chiều, lấy thầy giáo là trung tâm sang phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh là trung tâm. Với việc đổi mới phương pháp dạy học như vậy đã tích cực hóa hoạt động học tập và phát triển tính sáng tạo, chủ động của người học trong việc lĩnh hội kiến thức. Hội thảo khoa học của tổ Xã hội hôm nay phần nào giúp các thầy cô và các em học sinh có cái nhìn cụ thể hơn, toàn diện hơn về việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông. Để từ đó, mỗi thầy cô giáo trong nhà trường lại càng tích cực, vận dụng sáng tạo trong việc đổi mới vận dụng các phương pháp dạy học trong các tiết dạy của mình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học, góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục của tỉnh nhà.

                                                                           Đoàn Thị Minh Tuấn

Tác giả: Đoàn Thị Minh Tuấn
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 38
Hôm qua : 893
Tháng 04 : 20.588
Tháng trước : 38.504
Năm 2024 : 108.821
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.250.227