HỒ XUÂN HƯƠNG - BÀ CHÚA THƠ NÔM CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Nhắc đến Hồ Xuân Hương là nhắc đến một cá tính độc đáo, một bản lĩnh khác thường, một hiện tượng văn học đặc biệt. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bà để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn học dân tộc. Bài viết xin chia sẻ một số nét chính trong phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm.

Trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Trung đại Việt Nam nói riêng, Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tiêu biểu, đã “làm sửng sốt cả đương thời lẫn hậu thế bằng thiên tài thơ ca lỗi lạc phi thường của mình”.

Theo lời tựa của tập thơ “Lưu hương ký”, Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783), đỗ hương cống nhưng không ra làm quan, là em cùng cha khác mẹ với Quận công Hồ Sĩ Đống (1738-1786) - một đại thần đầu triều thời chúa Trịnh Sâm, Trịnh Khải. Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp quan lại, có truyền thống nho học, Hồ Xuân Hương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thống văn hóa của gia đình.

Bà là người thông minh, thích giao lưu bạn bè, song đường tình duyên gặp nhiều éo le, ngang trái: hai lần lấy chồng thì cả hai lần đều phải làm lẽ và chịu cảnh goá bụa. Hồ Xuân Hương  được xem là đại diện cho người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội cũ.

Phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương

Với nhiều tác phẩm thơ Nôm độc đáo, Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm của văn học Trung đại Việt Nam. Thế giới nội tâm trong thơ của bà khởi nguồn từ thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên, với phong cách cá tính, bản lĩnh kiên cường, bà đã khẳng định cái Tôi trước cuộc đời.

Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói thách thức, ngạo nghễ với đời. Thơ của nữ sĩ còn là lời cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ của người phụ nữ trong thân phận  lấy lẽ, phải chịu cảnh góa bụa và cô đơn. Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không những được đặt ngang hàng mà còn được đặt trên cả đấng mày râu.

Hỡi chàng ôi hỡi chàng ôi,

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

(Khóc Tổng Cóc)

Nếu như hình tượng người phụ nữ trong văn học trước đó đều phải chịu uất ức bởi luân thường, đạo lý thì đến Hồ Xuân Hương, người phụ nữ được sống đúng với cá tính của mình. Trong thơ, Hồ Xuân Hương không nói đến toàn bộ nỗi khổ của người phụ nữ mà dường như hướng đến nỗi khổ có tính chất giới của mình.

Kẻ đắp bông kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,

Cầm bằng làm mướn mướn không công.

Nỗi này ví biết dường này nhỉ,

Thời trước thôi đành ở vậy xong.

(Lấy chồng chung)

Nét độc đáo nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là giọng điệu mỉa mai, trào phúng. Có thể nói, trào phúng là nghệ thuật độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương. Giọng điệu này được thể hiện khi nữ sĩ phê phán, đả kích giai cấp phong kiến thống trị. Hồ Xuân Hương đã vạch trần bộ mặt thật, lột chiếc áo đạo đức giả phùng phình, phơi bày thân xác phàm tục của họ.

Đối tượng đả kích trong thơ của Xuân Hương rất rộng, từ vua chúa, quan lại đến những thư sinh nghiên bút ở cửa Khổng sân Trình để học đạo thánh hiền. Những kẻ tự xưng là hiền nhân quân tử nhưng làm việc lén lút cũng được Hồ Xuân Hương phơi bày bằng ngòi bút trào phúng độc đáo.

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa

(Lỡm học trò)

Không những chĩa mũi nhọn vào bọn quan lại phong kiến, thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương cũng bộc lộ tiếng lòng của chính mình. Đó là sự thể hiện ước mơ, khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Lê Trí Viễn đã viết: Đau đớn ê chề là như vậy, nhưng Xuân Hương vẫn trở về với bản ngã yêu đời. Lời thơ vẫn trào lộng, hóm hỉnh.

Đọc thơ Xuân Hương, ta càng thấy thấm thía câu nói của Xuân Diệu : “Những nhà trào phúng vĩ đại không nhe răng ra mà cười, không chửi bằng lời nói, họ ném cả trái tim của họ, ném cả cuộc đời của họ vào cuộc đời, cũng như những nhà trữ tình vĩ đại. Trong xã hội cũ, thơ của họ thực chất là máu và nước mắt mặc cái áo trào phúng đó thôi”.

Những tác phẩm của Hồ Xuân Hương có đóng góp đặc biệt trong nền văn học Trung đại, các bài thơ của bà được đưa vào chương trình Ngữ văn cấp THPT để bạn đọc có thể cảm nhận những cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, nội dung giàu tính nhân đạo và từ đó tự hào về một thời đại từng có Hồ Xuân Hương tài năng như thế!

Sưu tầm: Vũ Thị Phượng - Lớp 11A1

(Thành viên CLB học tập)

Tác giả: Vũ Thị Phượng - Lớp 11A1
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 56
Hôm qua : 310
Tháng 01 : 3.695
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 3.695
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.356.721