ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ THƠ HƯNG YÊN VỚI MÙA XUÂN
Mùa xuân là nguồn cảm hứng dào dạt của thi nhân. Mùa xuân là một đề tài phổ biến của thơ ca. Các nhà thơ từ cổ chí kim hầu như đều có thơ xuân. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ có ý gợi một vài nét chấm phá về thơ xuân của các tác giả quen biết đã và đang sống, làm việc ở quê hương Hưng Yên ta hiện nay.
Thơ ca bao giờ cũng biểu hiện thế giới chủ quan của con người. Giống như thơ của nhiều thời đại, nhiều dân tộc, nhiều địa phương khác, các nhà thơ Hưng Yên chúng ta thả hồn vào mùa xuân, tha thiết yêu mùa xuân, nồng nhiệt biểu hiện khát vọng mùa xuân. Đối với họ, mùa xuân gắn liền với cuộc sống, với tình yêu, hạnh phúc. Nhà thơ Đỗ Hữu Tấn giãi bày khát vọng:
Mong mùa xuân em ơi
Như mong ngày hẹn ước
Mong từng giờ từng phút
Mong từng tháng từng ngày
Nỗi niềm mong mỏi da diết, khắc khoải khiến nhà thơ:
Muốn có tài kì diệu
Triệu nàng xuân đến ngay
Muốn góp thêm nhiên liệu
Để tăng tốc vòng quay
Cùng đất trời vũ trụ
Đón nàng xuân đến nhanh
(Mong mãi mùa xuân)
Nhịp thơ dồn dập như là khát vọng mùa xuân hối hả, si mê, cuồng nhiệt!
Đặc biệt, với Đỗ Hữu Tấn, mùa xuân là rất chung, nhưng cũng rất riêng. Trong cảm nhận của thi nhân, mùa xuân là mùa xuân của đất trời, nhưng đồng thời lại là “em” nữa:
Em
Mùa xuân của mùa xuân
Của anh
Lê Hồng Thiện - nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi, với cách cảm ngộ nghĩnh của trẻ thơ, đã hồn nhiên, hân hoan chào đón mùa xuân đến:
Ẩn trong lớp vỏ khô già
Cái mầm hé cửa nhô ra nhìn trời
Ô! Mùa xuân đã đến rồi
Cây đào nhú những nụ tươi đầu cành
(Cái mầm)
Nhà thơ Hoàng Thế Dân da diết nhớ mong mùa xuân qua biểu tượng “hoa sen”:
Xuân về chín nhớ mười mong
Gọi sen lên đón mưa giông đầu mùa
(Hoa sen)
Các nhà thơ của chúng ta không chỉ biểu hiện khát vọng mùa xuân qua niềm mong mỏi, tha thiết, nồng nhiệt chào đón mùa xuân. Các nhà thơ của chúng ta còn say sưa tả xuân, thưởng xuân, cảm xúc và suy ngẫm.
Nhà thơ Đỗ Hữu Tấn tả thực cảnh phố Hiến chiều xuân:
Qua phố Hiến một chiều xuân
Bốn bề nhãn nở như mâm xôi đầy
(Qua phố Hiến)
Bức tranh phố Hiến chiều xuân còn được thể hiện qua hình ảnh nơi “nhộn nhịp”, nơi “hoang sơ”, “miếu bia văn vật”, “đất bạc”, “sông vàng”, “bán buôn tấp nập”, “công trình đua chen”… đặc biệt là nét vẽ:
Sông Hồng nắng hửng hồng thêm
Và Nguyệt hồ khi thì “nước trong xanh đến bất ngờ trong xanh”, khi thì “ửng sắc dậy thì”.
Một cái nhìn thật tinh tế về xứ sở hoa nhãn!
Với ông, bức tranh mùa xuân làng quê qua bài “Nét xuân” hiện nên giản dị, đầy sức sống với sắc xanh của “sắc xuân xanh”, “cỏ cây xanh”, “biếc nõn cành”, “lúa mượt đồng”,”trúc soi gương”, điểm màu tím của “hoa xoan”, “hoa cà”, và màu hồng của “sen nhú đầu đình”. Nổi bật trên nền thiên nhiên đáng yêu đó là hình ảnh nên thơ của con người với “mắt ai trong”, “áo tím bay”. Cảnh xuân càng trở nên sống động bởi “ngâu” và “bưởi” ngát đưa hương, âm thanh của “hội đền mở”, “chợ làng đông”, “tiếng hát”, “tiếng hót xa”…
Tác giả Ngô Hoàng Anh tả cảnh phố huyện chiều xuân:
Phố huyện chiều xuân mưa bụi bay
Lòng xuân ăm ắp nước sa đầy
Ô tô đứng bến chờ thêm khách
Cành đào ai đó đã cầm tay
(Phố huyện chiều xuân)
Trong bài “Tháng ba quê hương”, nhà thơ Nguyễn Khắc Hào đã miêu tả cảnh quê hương mình bằng hình ảnh sắc nét, gợi cảm với một cái nhìn tinh tế và trí tưởng tượng phong phú:
Mưa xuân giăng mộng đường quê
Hoa xoan buông tím lối về chửa thôi
… Góc ao cá chép vật mình
Bè muống đỡ đẻ bập bềnh tháng ba
Đầu hè cây bưởi đơm hoa
Hương thơm thơm đến sững sờ người đi
(Tháng ba quê hương)
Xuân về, các nhà thơ của chúng ta say sưa thưởng thức hương xuân, sắc xuân, khí xuân, đắm mình cùng trời đất, cỏ cây, phong tục, lễ hội, nỗi vui buồn thế sự ngày xuân.
Nhà thơ Ngô Hoàng Anh “cảm xuân”:
Mấy nén hương thơm nhà
Hoa đào nghiêng xuống bút
Lời thơ chưa viết ra
Lòng xuân tràn cảm xúc!
(Cảm xuân)
Nhà thơ Đỗ Hữu Tấn vui xuân qua sự hòa nhập vào tâm hồn trẻ thơ:
Mùa xuân là mùa của hoa
Trăm hoa đua nở như là ngô rang.
Để rồi:
Xuân về em múa, em ca
Áo hoa hát với vở hoa điểm mười
(Mùa xuân là mùa của hoa)
Nhà thơ Hoàng Thế Dân vui xuân một cách khác:
Rượu xuân vơi lại rót đầy
Uống đi, chung cuộc tỉnh say với đời
Nào đâu cay đắng, ngọt bùi
Uống đi, dở khóc dở cười cũng vui.
…Xin mời xuân hãy cùng chơi
Thưởng hoa cạn chén cho trời đất nghiêng
(Rượu xuân)
Và:
Giao thừa gõ cửa, người ơi
Hãy dâng hương tạ đất trời, tổ tiên
Vui buồn năm cũ còn nguyên
Nụ đào nở đón nắng lên ấm lòng
(Thời gian)
Các nhà thơ của chúng ta đôi khi bày tỏ suy ngẫm của mình về thế sự qua mùa xuân, qua cảnh xuân, xuất hiện những vần thơ triết lí về cuộc đời.
Nhà thơ Lê Hồng Thiện suy ngẫm theo cách của lứa tuổi trẻ thơ:
Tuổi người tính bằng tết
Tết tính bằng giao thừa
Tuổi cây tính bằng hoa
Cộng với mùa của quả
(Tuổi)
Nhà thơ Nguyễn Khắc Hào lại có suy ngẫm sâu sắc mang dấu ấn của người từng trải:
Những cánh hoa kì diệu tan rồi
Không còn quay lại nữa
Và có gì chớm nở
Trong lòng người yêu hoa
(Hoa nở)
Ngô Hoàng Anh cảm nhận cuộc sống vừa thực vừa ảo:
Đu bay cho bổng hội hè
Hoa xoan rụng tím áo dì, dì ơi!
(Đường làng)
Và:
Hoa xuân nở trước hiên nhà
Cầm tay em vẫn ngỡ là trong mơ
Hôn em trong lúc giao thừa
Cái hôn chạm phải đôi bờ thời gian
(Đôi bờ thời gian)
Nhà thơ Đỗ Hữu Tấn lại cảm nhận cuộc sống có phần ẩn dụ:
Tiếng hát đua cùng tiếng hót xa
Cúc cù cu gụ lại sơn ca
Hoa xoan đua với hoa cà tím
Tím cả mây trời cuối nẻo xa
(Nét xuân)
Xuân đến thì hân hoan vui mừng. Xuân đi thì nhớ nhung, luyến tiếc. Thế nên, thi nhân như muốn níu mùa xuân trở lại.
Nhà thơ Đỗ Hữu Tấn viết:
Mùa xuân đã qua rồi ư
Trăng trong, trời chói, chim gù gọi đôi
Tuổi xuân thôi cũng qua rồi
Giật mình, xuân sắc một thời lãng quên!
… Tiếng ve hay tiếng ai sầu
Gọi hè hay ấy - ai cầu gọi xuân!
(Qua xuân)
Nhà thơ Hoàng Thế Dân có lẽ cũng đồng tình ý tưởng ấy:
Luân hồi
mùa
tiếp nối nhau
Thanh xuân
níu lại
được đâu
mà chờ!
(Luân hồi)
Phải chăng đó cũng là sự thể hiện khát vọng mùa xuân?
Các nhà thơ Hưng Yên của chúng ta hiện nay còn chưa viết nhiều về mùa xuân, nhưng chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào những cung bậc tình cảm phong phú, những liên tưởng sâu sắc đầy cá tính. Tất cả đều lành mạnh, say sưa, hồ hởi, lạc quan. Có những bài, những câu thơ gợn buồn trăn trở nhưng không làm cho độc giả tiêu cực bi quan mà giúp tâm hồn người ta phong phú hơn, tinh tế hơn, thêm yêu đời, yêu người, yêu quê hương ta hơn. Có nhũng bài, những câu thơ đạt đến chuẩn mực của thơ ca, tràn đầy xúc cảm, lấp lánh vẻ đẹp nghệ thuật. Với đặc điểm ấy, hi vọng rằng thơ xuân chúng ta nói riêng, thơ ca Hưng Yên nói chung mỗi ngày thêm đơm hoa kết trái, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn vật của quê hương chúng ta.
Đỗ Thị Kim Thoa - Giáo viên văn, Trường THPT Tiên Lữ