Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới!
Một mùa Xuân mới lại về! Chúng ta vui mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2021). Niềm vui ấy được nhân lên và có ý nghĩa đặc biệt khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp.
Đảng ta ra đời ngày 3/2/1930, trong bối cảnh đất nước còn nô lệ, nhân dân lầm than khổ cực, nước mất, nhà tan. Với tinh thần cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo và tổ chức nhân dân không quản hy sinh, gian khổ, chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
15 năm (1930-1945), Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ hy sinh với ba cao trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945). Khi thời cơ đến, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và phong kiến. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người chủ đất nước.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lập nên nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ''Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc''.
Tuy nhiên, lịch sử lại tiếp tục đặt dân tộc ta trước một thử thách mới, phải đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên với quyết tâm ''thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ''. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới''.
Không những thế, trải qua 21 năm (1954 -1975) chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghị quyết Đại hội IV của Đảng viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” .
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sau 30 năm đổi mới, Đảng đã chứng tỏ được bản lĩnh và sức sống của mình trong công cuộc xây dựng đất nước. Thành tựu 30 năm ấy là vô cùng lớn lao, thật đáng tự hào, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 13 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc. Hội nghị này mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, quyết định đổi tên đảng từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
1. Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng
Diễn ra tại phố Quan Công – Ma Cao – Trung Quốc từ ngày 28 đến 31/3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng đã phục hồi sau các cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban chấp hành trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 -1942), quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông làm Tổng Bí thư từ tháng 3/1935 đến tháng 7/1936. Trong quá trình hoạt động sau đó, vào cuối năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Trước sự tra tấn, hành hạ của kẻ địch, ông qua đời vào ngày 6/9/1942
Tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng bí thư. Tới tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng bí thư.
Tháng 5/1941, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư. Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở, từ trong nước đến nước ngoài.
2. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
Diễn ra tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951. Đại hội đổi tên Đảng, từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam.
Đồng chí Trường Chinh là Tổng bí thư (từ tháng 5/1941 đến tháng 10/1956). Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng (kiêm Tổng bí thư từ tháng 10/1956).
Đại hội đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh (1907 -1988), ông tên thật là Đặng Xuân Khu, quê Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Ông là Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 5/1941 đến tháng 10/1956 và từ tháng 7/1986 đến tháng 12/1986. Trong quá trình hoạt động và công tác ngoài 2 lần làm Tổng Bí thư, ông từng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay gọi Chủ tịch Quốc hội); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay gọi Chủ tịch nước).
3. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10/9/1960. Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng.
Đại hội tiếp tục khẳng định và hoàn thiện đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, là hậu phương lớn của cả nước, có vai trò quyết định nhất đối với cách mạng cả nước; Miền Nam làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, là tiền tuyến lớn, có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà.
Đồng chí Lê Duẩn (1907 -1986), quê huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 9/1960 đến tháng 7/1986. Ông cũng là người giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng lâu nhất (gần 26 năm). Trước khi ra Hà Nội công tác, ông từng giữ chức Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ.
4. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng
Diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến 20/12/1976: là Đại hội tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Đổi tên Đảng ta từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đổi tên nhà nước: từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đổi tên Sài Gòn thành TP. HCM.
- Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư.
5. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 31/3/1982. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban chấp hành trung ương họp phiên đặc biệt. Đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ trần ngày 10/7/1986. Đại hội lần đầu tiên đưa nông nghiệp lên mặt trận hàng đầu.
6. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng. Đại hội đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915 -1998), quê huyện Mỹ Văn, Hưng Yên. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1991. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thường trực Ban Bí thư
7. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến 27/6/1991 với chủ đề Đại hội: “Đại hội trí tuệ - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - đoàn kết”. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công là cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng. Trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có quyết định lịch sử là đưa ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Đồng chí Đỗ Mười (1917 -2018), tên thật là Nguyễn Duy Cống, quê xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997. Trong quá trình công tác ông từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo như Bộ trưởng Bộ Nội thương; Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng: Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
8. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/6 đến 1/7/1996. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc phát triển mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta”.
Đại hội VIII của Đảng là Đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng. Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức vụ Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
9. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/4/2001. Với chủ đề: Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng bí thư. Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
10. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng
Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững họp từ ngày 18/4/2006 đến ngày 25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng bí thư.
Đồng chí Nông Đức Mạnh (sinh năm 1940), quê xã Cường Lợi, huyện Na Rì, Bắc Kạn. Ông làm Tổng Bí thư 2 khóa, từ tháng 4/2001 đến tháng 1/2011. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay đã tách 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn); Trưởng ban Dân tộc Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khóa X.
11. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng
Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/1/2011 tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư đưa ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Đây là bản Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, kế thừa trực tiếp từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991 được thông qua tại Đại hội VII và đã có 20 năm thực hiện từ đó đến nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944), quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông làm Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 1/2011 đến nay. Vào tháng 10/2018, ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.
12. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng
Diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28/1/2016 tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư. Với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội đã đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới đất nước (1986 – 2016), nêu lên 8 thành tựu đạt được và 8 hạn chế cần khắc phục trong những năm tới.
Đại hội thống nhất đánh giá: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”. Đánh giá như vậy là khách quan, toàn diện, khẳng định những thành tựu to lớn, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém để có phương hướng khắc phục, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên.
13. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng
Đại hội diễn ra từ ngày 25 tháng 01 đến ngày 01 tháng 02 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đại hội XIII không chỉ kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước).
Đại hội đã xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng sâu sắc, nhanh chóng do tác động của đại dịch Covid, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt cùng với nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo của toàn Đảng và toàn nhân dân Việt Nam trên tất cả các mặt, Đại hội XIII đã thành công tốt đẹp, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới.
Sưu tầm và tổng hợp: Nguyễn Linh Vũ - Lớp 10A8